Trong Liên hoan phim Cannes vừa kết thúc, bộ phim mới về Che Guevara của đạo diễn Steven Soderbergh đã gây tiếng vang lớn, còn tại gallery WestLicht ở Vienna (Áo) đang diễn ra cuộc triển lãm các bức ảnh chụp Che Guevara của nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của một huyền thoại cách mạng châu Mỹ Latinh.
Trong số 150 bức ảnh trưng bày tại Vienna, có một chân dung Che của Alberto Korda đã trở thành biểu tượng của giới trẻ toàn thế giới và là bức chân dung được sử dụng nhiều nhất của mọi thời: trong sách báo, các phiên bản, poster, huy hiệu, in trên áo, nón, balô…
Bức chân dung ấy có tên là Anh hùng du kích, được Korda bấm máy vào đầu tháng 3-1960, ghi lại hình ảnh Che Guevara trong một khoảnh khắc diệu kỳ, với chiếc bê rê đen bất ly thân và ánh mắt cương nghị đang tập trung vào một điểm nhìn, như thể ông đang ngắm nhìn tương lai tươi sáng của cuộc cách mạng chống chế độ độc tài Batista mà ông và Fidel Castro đang lãnh đạo.
Ngay sau khi bị sát hại tại Bolivia vào năm 1967, Che trở nên bất tử, được ngợi ca như một vị anh hùng, một huyền thoại cách mạng và từ Cuba bức chân dung Che của Korda xuất hiện khắp mọi nơi trên hành tinh. Các chân dung khác trong triển lãm cũng từng xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều năm qua, như bức ảnh quen thuộc của nhà nhiếp ảnh Rene Burri, thể hiện Che với điếu xì gà Havana cố hữu, hay các ảnh Che bên cạnh Fidel Castro.
Korda sinh tại Cuba cùng năm với Che (1928) và mất vào tháng 5-2001 tại Paris trong khi đang đi cùng các bức ảnh của ông trong một cuộc triển lãm lưu động khắp thế giới. Là người chụp ảnh thời trang và quảng cáo tại Cuba trước cách mạng, Korda đã trở thành một nhà nhiếp ảnh, một nhà báo ảnh quan trọng của Cuba sau khi chế độ Bastita cáo chung.
Không chỉ được sử dụng nhiều nhất, bức ảnh chân dung Che của Korda còn là nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc ở nhiều nước.
Nguồn: Tuổi trẻ