Thành Nhà Hồ – một công trình kiến trúc quân sự thuộc hàng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam và Khu vực trong thời kỳ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng tòa thành này là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất cảnh quan và quy mô kiến trúc.

Với những giá trị nổi bật, ngày 27 tháng 6 năm 2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris của nước Pháp đã chính thức công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hoá thế giới.

Lịch sử hình thành

Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397, theo lệnh của Phụ chính Thái sư nhiếp chính nhà Trần là Hồ Quý Ly. Thành được xây dựng trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397). Cùng năm đó Hồ Quý Ly cho di chuyển kinh đô từ thành Thăng Long (Hà Nội) vào Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá). Khu di tích Thành Nhà Hồ bao gồm một phức hợp các thành phần kiến trúc được xây dựng có tính toán, kết hợp giữa các kiến trúc nhân tạo với hình thế tự nhiên, để đảm bảo chức năng làm một kinh đô mới thay cho kinh đô Thăng Long.

Năm 1400, với sự đăng quang của Hồ Quý Ly, lập ra triều đại Hồ, Thành Nhà Hồ trở thành quốc đô, nước Đại Việt được đổi tên thành Đại Ngu. Đến năm 1407, cùng với sự thất bại trong việc chống lại cuộc xâm lược của nhà Minh, Thành Nhà Hồ thất thủ, cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng triều đình Đại Ngu bị quân nhà Minh bắt. Kể từ đó, Thành Nhà Hồ không còn vai trò là kinh đô nữa.
Thành Nhà Hồ là tên thường gọi của tòa thành bằng đá còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thuộc miền Bắc Việt Nam. Tên gọi khác của thành như: thành An Tôn vì khu vực này vào cuối thời Trần có tên là động An Tôn, thành Tây Đô vì thành là kinh đô của nước Đại Việt (1397-1400) và Đại Ngu (1400 – 1407);

Ngày nay, sau hơn 600 năm thăng trầm của lịch sử, tòa thành vẫn hiện diện uy nghi với các tường thành và cửa thành còn khá nguyên vẹn. Các kết quả khai quật khảo cổ học đã bước đầu làm xuất lộ nhiều thành phần kiến trúc của kinh đô cổ này. Ngoài thành trong với tường thành có hào nước bao quanh, dấu tích của các cung điện, đền miếu của vương triều bên trong, phức hợp di sản Thành Nhà Hồ còn có La thành và Đàn tế Nam Giao.

Thành nhà hồ nhìn từ trên cao. Ảnh chụp năm 1920
Thành nhà hồ nhìn từ trên cao. Ảnh chụp năm 1920

Kiến trúc: độc đáo, tinh tế

Nếu “hoành tráng” hay “kỳ vĩ” được dùng khá khiêm tốn khi miêu tả Thành Nhà Hồ, thì “độc đáo”, “tinh tế” và đầy “bí ẩn” lại là lối diễn đạt tuyệt vời, một cách ngợi khen “trúng” nhất về thành trì này. Điều đó khởi phát từ chính những giá trị tự thân của tòa thành và sâu xa hơn, nó khởi phát từ cội nguồn văn hóa Việt Nam – nền văn hóa vốn hướng đến ưa chuộng sự hài hòa “thiên – địa – nhân”.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, kiến trúc đã so sánh và tìm thấy sự tương đồng nhiều mặt giữa Tây Đô và Đông Đô (Hoàng thành Thăng Long). Đó là sự kế thừa tất yếu. Mang bản sắc văn hóa, có tính đại diện cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc, điều đó khẳng định sự ra đời của Thành Nhà Hồ nằm trong “mạch” văn hóa truyền thống và chính thống. Mà văn hóa lại là cơ sở quan trọng để đánh giá giá trị của di sản, đúng như tiêu chí do UNESCO đề ra.

Hấp dẫn đến từ sự bí ẩn. Thành Nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn. Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo. Nhiều người đã đặt câu hỏi: bằng công cụ thô sơ, chỉ dùng sức người là chính, vậy làm thế nào những người thợ có thể chuyển những khối đá nặng trên chục tấn lên cao 8 – 10m, xếp chúng chồng khít với nhau mà không dùng bất kỳ chất kết dính nào để “vá” các phiến đá? Đây vẫn còn là ẩn số lớn chưa thể lý giải?

Triều Hồ tuy ngắn ngủi nhưng nổi bật ở những cách tân đầy táo bạo trên nhiều lĩnh vực. Bởi vậy, mạo muội nghĩ rằng, phải chăng kỹ thuật xây dựng thành Tây Đô cũng nằm trong ý đồ cách tân toàn diện hay là bức thông điệp thứ nhất cũng thành công nhất về sự cách tân của nhà Hồ mà khởi xướng và đứng đầu là Hồ Quý Ly?

Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Sử dụng tới 20.000 m3 đá để xây dựng và gần 100.000 m3 đất được đào đắp, thành được kết cấu gồm 3 phần: Hoàng thành (nội thành); Hào thành bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50m, có tác dụng bảo vệ nội thành và La thành là vòng ngoài cùng.

Chính sử chép: “Tháng giêng năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, xây đàn thờ thần, mở phố sá lập đường ngõ, công việc làm 3 tháng thì xong” – (sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên). Với khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc xây 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn, người xưa chỉ mất 3 tháng. Đó không chỉ là sức lực, đó còn là trí lực tuyệt vời của con người đã đổ xuống và hằn lên công trình này.

Và theo đó, thời gian xây dựng Thành Nhà Hồ không chỉ khiến nhiều người kinh ngạc, thán phục mà còn là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tòa thành. Trải qua 6 thế kỷ tồn tại, phần kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành – biểu tượng của Thành Nhà Hồ – vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.

Bên cạnh phần di tích lộ thiên, tiến hành khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông khác, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn di vật và nhiều mảng kiến trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến kiến trúc các thời Trần, Hồ và Lê sơ như sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua… Đó là những lớp trầm tích văn hóa, thể hiện sự tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các triều đại phong kiến mà vương triều Hồ là một mắt xích không thể thiếu.

Có thể nói, nhìn trên bình diện nào, dù là kiến trúc, lịch sử, văn hóa hay khảo cổ, Thành Nhà Hồ đều “phát lộ” ánh hào quang của riêng nó. Từng đóng vai trò là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông – Nam Á; nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực…

Ngày nay, Thành Nhà Hồ trở thành chứng nhân lịch sử và những giá trị tự thân của nó đương nhiên đã mang “tầm” thế giới khi chính thức ghi tên mình vào “ngôi đền” di sản văn hóa nhân loại.

Danh hiệu Di sản văn hoá Thế giới

Hành trình đến với di sản thế giới Thành nhà Hồ là một hành trình dài với thời gian 6 năm (2006 – 2011). Bên cạnh sự cố gắng của các ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia trong nước và quốc tế; UBND tỉnh Thanh Hóa; nhân dân huyện Vĩnh Lộc trong việc thực hiện song song công tác chuyên môn với việc giới thiệu, quảng bá và từng bước Bảo tồn di sản, thì những giá trị nổi bật của thành nhà Hồ là yếu tố quyết định đến việc được công nhận là Di sản Văn hóa nhân loại.

Thành nhà Hồ đáp ứng được hai tiêu chí số II và IV của UNESCO. Đó là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông – Nam Á; là nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực. Thành nhà Hồ là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và văn hóa của Việt Nam trong mối liên quan với các nước trong khu vực vào giai đoạn tiếp theo.

Thành nhà Hồ cũng đáp ứng tiêu chí quan trọng là hiện tượng đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng tòa Hoàng thành bằng đá trong lịch sử kinh thành Việt Nam và khu vực vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, là cả một quá trình dài, với sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, các nhà chuyên môn. Nhiều hội thảo, hội đồng khoa học đã được tổ chức bàn thảo về những giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng của Thành nhà Hồ. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, tỉnh Thanh Hóa cũng mời các chuyên gia của Nhật Bản, Australia sang tư vấn, đóng góp những ý kiến quý báu trong quá trình hoàn thiện. Bản hồ sơ được đệ trình lên Ủy ban di sản thế giới được các nước thành viên đánh giá cao bởi tính khoa học, các giải pháp đồng bộ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản. Tất nhiên, Ủy ban di sản thế giới cũng xem xét các yếu tố đối với nước đang phát triển như Việt Nam trong quá trình bảo tồn di tích để có những giải pháp phù hợp với các công ước về bảo tồn di sản.

Bắt đầu từ cuối tháng 11/2006, tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới do Phó Chủ tịch tỉnh Vương Văn Việt làm trưởng ban, Sở VHTT Thanh Hóa – cơ quan thực hiện việc xây dựng hồ sơ. Bắt đầu thực hiện từ cuối 2006, bộ hồ sơ có sự góp sức của Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học cùng nhiều nhà nghiên cứu…

Ngày 20/32008, kết quả xây dựng hồ sơ đã được báo cáo tại Thanh Hóa với các “đầu mục” được xây dựng theo quy định của UNESCO như tư liệu, thư viện và hồ sơ khoa học. Tiếp đó, ngày 21/3/2008, tại khu di tích đã diễn ra cuộc công bố quyết định của tỉnh (ra ngày 3/7/2007), thành lập Ban quản lý di tích thành nhà Hồ. Trụ sở ban này đặt ngay tại khu di tích, thuộc thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Song song với tiến trình này, tỉnh Thanh Hóa cũng lập quy hoạch bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị di tích.

Trong đó, rất đáng chú ý là việc khoanh vùng bảo vệ Đàn tế Nam Giao. Đàn tế này mới được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, sẽ là sự bổ sung với tổng thể giá trị lớn của thành nhà Hồ… Bộ hồ sơ cũng đã được báo cáo trước Thứ trưởng Lê Tiến Thọ và Hội đồng di sản văn hóa của Bộ. Qua quá trình phản biện, góp ý, có một số điểm sẽ được chỉnh sửa, bổ sung.
Hồ sơ xin “ứng thí” của Thành nhà Hồ đã được Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học VN, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO chính thức vào ngày 22/9/2009.

Ngày 29/9/2009, bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa Thành nhà Hồ đã được gửi đến Trung tâm Di sản thế giới tại Paris, Pháp để tham gia đề cử danh mục di sản văn hóa thế giới. Bộ hồ sơ dày 161 trang và 187 trang phụ lục. Ngoài ra còn có 250 bản vẽ; 76 ảnh kỹ thuật số; 76 ảnh slides; phim di sản dài 43 phút…

Theo Công hàm của ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi Trung tâm Di sản thế giới tại Paris, Pháp, thành nhà Hồ là một công trình kỳ vỹ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thế kỷ XIV-XV…

Giá trị di sản văn hoá Thành nhà Hồ trong đời sống hôm nay

Thành Nhà Hồ là “Di sản có giá trị toàn cầu” – đó là nhận định của nhiều quốc gia như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Ô-xtrây-li-a, các nước châu Phi, Mỹ La tinh… khi đánh giá về Thành Nhà Hồ. Từ chỗ “Phải hoãn lại để năm sau” (ý kiến của Hội đồng thẩm định ICOMOS). Đoàn Việt Nam đã quyết tâm đấu tranh để hồ sơ được đưa ra bình chọn trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 35, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, diễn ra từ 19 đến 29-6 tại Pa-ri, Pháp và biện luận thành công. Với những cứ liệu thuyết phục, Thành Nhà Hồ đã được vinh danh xứng đáng!

Sau tất cả sự vinh danh đẹp đẽ và xứng đáng ấy, bình tĩnh lại để nhìn nhận Thanh Hóa còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn giữ gìn, bảo tồn và khai thác giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Bà Ca-thê-lin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trong một lần đến thăm Thành Nhà Hồ đã nói: “Việc đề cử để di sản được công nhận đã khó nhưng khó hơn nữa là giữ gìn được di sản đó… Nếu các di sản không được bảo tồn tốt sẽ bị loại bỏ”. Đó là “án treo” dành cho bất kỳ di sản nào và Thành Nhà Hồ cũng không phải ngoại lệ. Được vinh danh mới là thành công bước đầu, để di sản ấy trường tồn và phát huy giá trị còn một chặng rất dài.

Thực tế cho thấy, mỗi năm Thành Nhà Hồ mới chỉ thu hút khoảng 30.000 lượt khách đến tham quan. Làm thế nào để Thành Nhà Hồ sẽ là một Thánh địa Mỹ Sơn hay một Phố cổ Hội An “hậu vinh danh” – những thanh nam châm hút khách du lịch? Đó chắc chắn không còn là vấn đề thuộc phạm vi hẹp của địa phương có di sản nữa.

Bên cạnh đó, việc phục dựng, tôn tạo, bảo vệ di tích trước sự hủy hoại của thiên nhiên và con người là nhiệm vụ không hề nhẹ nhàng. Trong việc gìn giữ di sản, nhiều ý kiến cho rằng, gìn giữ di sản không phải là dời người dân đi nơi khác để lại công trình đá trơ trọi, lạnh lẽo, mà phải giữ được sự tiếp nối liên tục đời sống người dân. Sống hằng ngày cạnh di sản là người dân, hàng thế kỷ qua đã vậy và mãi về sau cũng vậy. Họ gắn với di sản không chỉ ở không gian sống mà phải là sự hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi. Cũng nhờ vậy, di sản có sức sống là khi nó sống trong cộng đồng…

Trao đổi về hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Thành nhà Hồ của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá cho biết, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cam kết thực hiện nghiêm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 của UNESCO cũng như những khuyến nghị của UNESCO và Trung tâm Quốc tế về di tích và di chỉ ICOMOS trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật của Thành nhà Hồ tới bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản Thành nhà Hồ, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đặc biệt, Thanh Hóa sẽ hướng tới việc cả cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương hiểu rõ về giá trị, cũng như sự hấp dẫn của di sản mà mình đang có, từ đó, chính họ sẽ là người bảo vệ di sản.

Thanh Hóa sẽ tổ chức thêm nhiều tour du lịch nội vùng gắn Thành nhà Hồ với các di tích vệ tinh như Thành nhà Hồ-Phủ Trịnh, Thành nhà Hồ-Chùa Giáng, Thành nhà Hồ-Động Kim Sơn… các tour du lịch trong tỉnh Thành nhà Hồ-Suối cá thần Cẩm Lương, Thành nhà Hồ- Lam Kinh, Thành nhà Hồ-Sầm Sơn… và các tour du lịch từ Thành nhà Hồ đến các kinh đô cổ và các di sản khác trong cả nước.

Đền thờ nàng Bình Khương dưới chân thành Nhà Hồ
Đền thờ nàng Bình Khương dưới chân thành Nhà Hồ

Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ phối hợp với các ban, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận trên nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, cảnh quan… cũng như tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di sản để nơi đây luôn là “điểm đến” hấp dẫn của du khách gần xa và các nhà khoa học, khảo cổ học trong nước và quốc tế.

Có thể nói, chúng ta mất hơn 6 năm để di tích trở thành di sản thế giới, nhưng sẽ mất gấp nhiều lần khoảng thời gian ấy để di sản trở thành tài sản quý, xứng đáng với tầm vóc của nó.

4.7/5 - (3873 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *