Nhà văn Vũ Kim Dũng, Chủ nhiệm Quỹ Hỗ trợ Phát triển Khoa học Giả tưởng là người đã có hàng loạt các truyện KHGT đặc sắc. Chắc chắn trong chúng ta không ai có thể quên được “Chú bé và người máy”, “Chú bé và thần đèn” – bộ phim hoạt hình nổi tiếng do chính ông chuyển thể kịch bản từ truyện vừa của mình – đã đi vào ký ức của bao thế hệ suốt 30 năm qua. Ông còn là tác giả của các truyện KHGT như “Người đẹp hồi sinh (NXB Đà Nẵng ) – một tiểu thuyết viết cách đây gần 20 năm nhưng đã dự báo về “nhân bản vô tính”.

Quỹ Hỗ trợ Phát triển Khoa học Giả tưởng đã ra đời – do Hội Trí thức KH&CN Trẻ thành lập – với mục tiêu trở thành động lực cho sự phát triển của truyện khoa học giả tưởng (KHGT) nói riêng cùng các bộ phim, các trò chơi game…mang tính giả tưởng nói chung.

Vũ Kim Dũng đã viết tác phẩm này từ trước khi có cừu Dolly và các thành tựu nhân bản như hiện nay; và truyện của ông còn “vượt trước” cừu Dolly ở chỗ người đẹp được “nhân bản” từ tế bào da chứ không cần đến tế bào trứng. Truyện vừa “Người chết 2 lần” (NXB Kim Đồng) của ông lôi cuốn đông đảo các thế hệ bạn đọc bởi câu chuyện về một cái đầu của nhà báo được nuôi sống bằng dung dịch máu nhân tạo!

Nhà văn Vũ Kim Dũng
Nhà văn Vũ Kim Dũng, biên kịch của bộ phim: Chuyện hai chiếc bình

Tâm huyết với lĩnh vực truyện KHGT, nhân dịp ra mắt Quỹ, nhà văn Vũ Kim Dũng tâm sự:
Từ lâu, bạn đọc đã biết đến truyện KHGT nổi tiếng của nhà văn Pháp, Jules Verne “Hai vạn dặm dưới đáy biển”. Tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ thanh thiếu niên cho đến tận ngày nay. Có thể nói, Jules Verne là một trong những người lừng lẫy nhất về KHGT. Ngày nay, nước Mỹ là nơi mà truyện KHGT rất phát triển, và được nền công nghiệp điện ảnh đưa lên tầm cao, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh KHGT trở thành siêu phẩm của thế giới như “Công viên kỷ Jura”, “Chiến tranh giữa các vì sao”, “Người nhện”….

Nhiều người ngạc nhiên là tại sao Hội Trí thức KH&CN Trẻ lại quan tâm đến….truyện KHGT như vậy?

Truyện KHGT có vị trí đặc biệt quan trọng vì nó phát huy trí tưởng tượng của thanh thiếu niên, nó có khả năng dự báo những điều có thể xảy ra trong tương lai cho khoa học, trên cơ sở đó, nó kích thích, gợi ý các nhà khoa học tiến hành các công trình sáng tạo. Ví dụ trí tưởng tượng về “Chiếc tàu ngầm của thuyền trưởng Nê- mô” (trong Hai vạn dặm dưới đáy biển) là một dự báo, mà ngày nay người ta đã chế tạo những con tàu như vậy. Hay Công viên kỷ Jura viết về sự hồi sinh của khủng long, thì ngày nay khoa học về di truyền cũng có thể tạo được những con khủng long thật. Có thể trong tương lai không xa người ta sẽ làm được điều này. Rõ ràng truyện KHGT có tác dụng kích thích các thế hệ thanh thiếu niên say mê với khoa học.

Nếu trong tương lai gần, Quỹ chúng tôi tổ chức được cuộc thi viết truyện khoa học giả tưởng thì sẽ mở rộng ra các thể loại truyện và kịch bản điện ảnh, game…đồng thời không hạn chế đối tượng phục vụ. Chắc chắn cuộc thi sẽ giúp cho các cây bút trẻ quan tâm đến việc sáng tác loại truyện này và thể hiện được khả năng tiềm ẩn của mình.

Nhưng truyện KHGT của VN lâu nay có vẻ như chỉ có vị trí rất khiêm tốn?

Thật ra, cũng như tình hình văn học nói chung, truyện KHGT nước ta còn giữ vị trí rất khiêm tốn so với thế giới. Nhưng cũng có những điểm sáng, chẳng hạn “Ai giết bác sỹ Mai Anh” (Phạm Cao Củng) khiến ta nhớ đến “Người vô hình” của H.G.Wells. Nhà văn Viết Linh có nhiều truyện KHGT đáng chú ý như: “Quả trứng vuông” (Ngày nay, con người chưa khiến cho gà, vịt đẻ được trứng vuông, nhưng đã có… dứa vuông, dưa hấu vuông rồi). Nhà văn Viết Linh còn có truyện “Hành tinh kỳ lạ” viết về cuộc sống ở trên các hành tinh xa xôi, và nhiều truyện ngắn khác… Có thể kể thêm nhà văn Lưu Văn Khuê (Hải Phòng) với “Hành tinh màu da cam”, Phạm Ngọc Toàn với “Chiếc áo của người sung sướng” (nhà văn tưởng tượng đến việc chế tạo ra một cái áo có thể điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm…theo ý muốn. Gần đây các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo được loại quần áo có khả năng làm mát cơ thể ).

Có người cho rằng sở dĩ truyện KHGT của Việt Nam hầu như không có sự tiến triển nào bởi lẽ sự người viết trẻ hầu như không quan tâm đến khoa học, nhất là sinh học và vật lý hiện đại…

Thường thì viết truyện KHGT phải là nhà văn say mê và hiểu biết khoa học hoặc nhà khoa học có khả năng viết văn, còn nếu ai không kết hợp được nhuần nhuyễn giữa khoa học và văn học thì rất khó viết về khoa học giả tưởng. Để đạt được thành công trong lĩnh vực sáng tác truyện khoa học giả tưởng thì trí tưởng tượng phong phú và sự hiểu biết là điều quan trọng hơn cả. Khoa học vật lý hiện đại, chẳng hạn như Thuyết tương đối của Anhxtanh đang tiến gần đến ranh giới của những điều «giả tưởng» trước đó. Lý thuyết về thời gian ở đó có điều gì đó rất gần với “Lưu Nguyễn nhập thiên thai” xưa…Nếu chúng ta tạo điều kiện thu hút người viết trẻ quan tâm đến lĩnh vực khoa học ngay từ ngày hôm nay thì sẽ hy vọng ngày mai sẽ có những tác phẩm khoa học giả tưởng có giá trị

Ông có nói rằng sẽ tham gia làm game?

Đúng vậy. Game cũng là một lĩnh vực của KHGT. Trên thế giới nhiều trò game đã lấy từ các phim KHGT như người nhện, siêu nhân… Đây cũng là một con đường để đưa KHGT đến với giới trẻ…

Ông vừa nói rằng để viết truyện KHGT thì thường phải là nhà khoa học viết văn, hoặc nhà văn say mê khoa học. Với ông thì sao?

Tôi cũng xuất thân từ một người làm khoa học đấy chứ. Tôi học Tổng hợp Khoa Sinh học. Không có nền tảng kiến thức sinh học chắc tôi không nghĩ ra được “Người đẹp hồi sinh” từ tế bào da.
Kế hoạch dài hơi của chúng tôi là sẽ hỗ trợ hợp tác xây dựng các tác phẩm điện ảnh, truyền hình về khoa học giả tưởng. Khả năng làm phim hoạt hình về chủ đề KHGT là trong tầm tay vì đội ngũ sáng tác phim hoạt hình Việt Nam đã sẵn có. Mấy chục năm chúng ta đã làm được các phim hoạt hình giả tưởng như: “Chú bé và người máy”, “Chú bé và thần đèn”…(nhà văn Vũ Kim Dũng, Chủ nhiệm Quỹ)

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

4.7/5 - (4788 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *